5 bộ phim đoạt giải Oscar gây tranh cãi trong 20 năm qua

Oda 20/02/2019 10:59

MỤC LỤC [Hiện]

The King’s Speech (2011)

The King’s Speech xuất hiện trong danh sách những bộ phim thắng giải Best Picture (Phim hay nhất) gây tranh cãi nhất mọi thời đại. The King’s Speech với sự tham gia của nam diễn viên Colin Firth đã vướng phải chỉ trích khi vượt qua hàng loạt đối thủ nặng ký như Black Swan của đạo diễn Darren Aronofsky hay The Social Network của David Fincher để giành giải thưởng cao quý nhất tại Oscar lần thứ 83.

Bộ phim do Tom Hooper đạo diễn xoay quanh vị vua Geogre VI của Vương quốc Anh cuối những năm 30 và quá trình vượt lên chính mình, chữa khỏi bệnh nói lắp. Phim tái hiện tiểu sử của vua Geogre VI cùng lối kể chuyện đơn giản. Đó cũng là một trong những lý do chính khiến nhiều khán giả cho rằng chiến thắng của The King’s Speech trước The Social Network và Black Swan chưa thật sự thuyết phục.

Avatar (2010)

 

Bom tấn đình đám Avatar cũng có mặt trong danh sách này. Tranh cãi dấy lên khi Avatar nhận được giải thưởng Best Cinematography, một giải thưởng dành cho kỹ thuật quay phim xuất sắc. Là một siêu phẩm được đánh giá hoàn hảo và xuất sắc ở nhiều phương diện, nhưng khán giả cho rằng việc Avatar nhận được giải thưởng cho kỹ thuật quay phim là điều bất hợp lý, khi phần lớn thước phim của Avatar được tạo ra bởi kỹ xảo máy tính.

Phim lấy bối cảnh tương lai vào năm 2154, sự sống của tộc người Na’vi tại hành tinh Pandora đang bị đe dọa bởi việc mở rộng hoạt động khai thác khoáng vật unobtanium của con người. Avatar đã phá kỷ lục phòng vé trong suốt thời gian công chiếu tại nhiều nước trên thế giới. Tuy vướng phải một vài tranh cãi với giải thưởng Best Cinematography, Avatar vẫn xuất sắc đem về thêm hai giải thưởng bao gồm Best Art Direction cùng Best Visual Effects tại Oscar lần thứ 82.

Slumdog Millionaire (2008)

Bộ phim điện ảnh của Anh được Danny Boyle và Loveleen Tandan đồng đạo diễn đã đoạt giải thưởng cao quý nhất Best Picture tại lễ trao giải Oscar lần thứ 80. Slumdog Millionaire được chuyển thể từ tiểu thuyết mang tên Q&A của tác giả Vikas Swarup. Phim xoay quanh chàng trai sống tại khu ổ chuột thành phố Mumbai bỗng trở thành triệu phú khi trả lời đúng toàn bộ câu hỏi của chương trình truyền hình Who Wants to Be a Millionaire bản Ấn Độ. Việc bất ngờ hoàn thành mọi câu hỏi được đưa ra tại chương trình đã khiến cậu bị nghi ngờ gian lận để có thể trở thành người thắng cuộc.

Đối đầu với đối thủ nặng ký The Curious Case of Benjamin Button, Slumdog Millionaire đã nhận được nhiều đánh giá không mấy tích cực về cách xây dựng hình ảnh và cách thức miêu tả xã hội tại đất nước Ấn Độ. Cốt truyện nghèo nàn và chưa mang tính thực tế chính là những lý do được nhắc tới nhiều nhất khi bộ phim đoạt được giải thưởng cao quý tại Oscar vào năm 2008.

Crash (2006)

Crash được liệt kê vào danh sách những phim đạt giải Oscar gây tranh cãi nhất trong gần hai thập kỷ qua sau mùa Oscar năm 2006. Một phim khác cũng được đề cử giải thưởng Best Picture năm đó là Brokeback Moutain được coi là một kiệt tác điện ảnh, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả với câu chuyện tình yêu đầy bi kịch của hai chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ.

Trong khi đó, Crash dường như đã lép vế hơn khi đánh giá về sự tối giản hóa quá mức trong quan niệm chính trị của nạn phân biệt chủng tộc. Kèm theo đó là những ý kiến về sự an toàn, chưa thật sự đột phá trong khâu kịch bản so với đối thủ nặng ký trên bảng vàng đề cử Oscar lần thứ 78.

Chicago (2003)

Chicago xoay quanh câu chuyện cuộc sống của những nhân vật trên sàn nhảy Chicago, sở hữu nhiều yếu tố châm biếm và hài hước xuyên suốt bộ phim. Tác phẩm này đã vén màn những bí mật ẩn giấu của những ngôi sao nổi tiếng, những scandal gây tranh cãi cùng vụ việc tham nhũng tại Chicago vào những năm 1920 đến 1930, khi nhạc Jazz đang chiếm lĩnh thị trường Mỹ và tạo ra nhiều sự thay đổi trong văn hóa giải trí tại thời điểm đó.

Thuộc thể loại nhạc kịch giống như Oliver!, bộ phim điện ảnh từng gây tranh cãi khi đoạt giải Best Picture tại Oscar vào năm 1968, việc trao giải thưởng cao quý nhất Oscar cho Chicago đã gây ra không ít sự phản đối của khán giả. Với thời lượng chiếm đa số cho những màn nhảy múa, hình ảnh người đẹp Hollywood cùng kịch bản chưa thật sự đột phá, việc Chicago giành Best Picture trước Gangs of New York, The Hours, The Lord of the Rings: The Two Towers, The Pianist đã dấy lên sự nghi ngờ về tính công minh đối với lễ trao giải Oscar lần thứ 75.

 

(Theo Chimmy - IOne)

Viết bình luận