10 bộ ba phim sẽ còn mãi dở dang

Thor 01/07/2020 10:22

MỤC LỤC [Hiện]

Kill Bill: Trên thực tế, ngay sau khi Kill Bill Vol. 2 ra đời năm 2004, đạo diễn Quentin Tarantino đã hé lộ ý định muốn biến đây thành bộ ba phim. Ý tưởng chính là cô bé Nikki lớn lên và muốn trả thù nhân vật Cô Dâu (Uma Thurman). Ông thậm chí có lúc cho rằng Kill Bill sẽ kéo dài tới bốn phần. Tuy nhiên, cho đến 2020, mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở những cuộc thương lượng giữa Tarantino và Thurman về mặt ý tưởng. Gần đây, nhà làm phim cho rằng ông cần ít nhất ba năm nữa để có thể khởi quay dự án. Song, nhìn vào những gì đã xảy ra, không ai chắc chắn Kill Bill Vol. 3 có thể ra đời hay không.

Fantastic Four (2005): 333 triệu USD so với kinh phí 87 triệu USD là kết quả không hề tệ đối với phiên bản Bộ tứ Siêu Đẳng ra đời đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, tới Fantastic Four: Rise of Silver Surfer (2007), kết quả đã giảm sút đi đáng kể. Cộng với sự ra đời của Vũ trụ Điện ảnh Marvel, loạt Fantastic Four của Fox bị giảm giá trị đáng kể. Do đó, Jessica Alba hay Chris Evans không còn cơ hội gia nhập biệt đội siêu anh hùng thêm một lần nữa. Loạt phim thập niên 2000 chắc chắn đã ngủ yên bởi Fox sau này tái khởi động thương hiệu (nhưng thất bại) năm 2015, và Bộ tứ Siêu đẳng tới đây sẽ góp mặt trong MCU sau vụ sáp nhập Fox vào Disney.

28 Days Later: 28 Days Later (2002) từng thổi luồng gió mới cho dòng phim xác sống. 28 Weeks Later (2008) là một bộ phim tốt đối với thể loại kinh dị. Song, đã hơn 10 năm nay, khán giả chưa thấy 28 Months Later lăn bánh. Ê-kíp sản xuất, bao gồm Danny Boyle và Alex Garland, đôi lúc lên báo chia sẻ về ý tưởng cho phần ba. Tuy nhiên, họ đến giờ vẫn chưa cho thấy tín hiệu nào thực sự khả quan về 28 Months Later.

Hellboy (2004): Thất bại thảm hại của Hellboy phiên bản 2019 càng khiến người hâm mộ tiếc nuối về loạt phim ra đời năm 2004 của Guillermo del Toro. Trong mùa hè 2008 chật chội, nhất là khi phải đối đầu The Dark Knight (2008), Hellboy II: The Golden Army không đạt doanh thu như mong đợi. Dẫu del Toro đã cài cắm nhiều chi tiết cho phần cuối, ông vẫn không thể hoàn thành bộ ba phim mà mình ấp ủ.

Tron: Sức mạnh của Tron: Legacy không nằm ở nội dung, mà đến từ hình ảnh, hiệu ứng kỹ xảo, và phần nhạc nền do Daft Punk sáng tác. Đáng tiếc thay, bộ phim năm 2010 thất bại trong việc thu hút khán giả đại chúng tới rạp. Doanh thu 400 triệu USD so với kinh phí sản xuất 170 triệu USD của bộ phim khiến Tron 3 không thể khởi động trong suốt 10 năm qua. Gần đây, đạo diễn Joseph Kosinski tiết lộ Disney chưa muốn từ bỏ thương hiệu. Song, các fan của loạt Tron có lẽ cũng không nên đặt quá nhiều hy vọng.

Titans: Sau thành công của Avatar (2009), cơn sốt phim 3D trỗi dậy và Clash of the Titans (2010) là một cái tên hưởng lợi. Tác phẩm hành động hạng B thu tới gần 500 triệu USD, so với 125 triệu USD kinh phí sản xuất. Song, tới Wrath of the Titans (2012), doanh thu giảm mạnh xuống còn 300 triệu USD. Kế hoạch thực hiện Titans 3 của Warner Bros. vì thế đổ bể. Họ đồng thời cho biết nếu không có ý tưởng đột phá hay mới mẻ, thương hiệu sẽ tiếp tục dừng lại.

The Amazing Spider-Man: Sau khi đạo diễn Sam Raimi thất bại trong việc tạo ra Spider-Man 4, Sony lập tức cho tái khởi động thương hiệu với ngôi sao trẻ Andrew Garfield. Doanh thu của loạt The Amazing Spider-Man không quá thấp, nhưng vẫn thua xa tham vọng của nhà sản xuất. Riêng The Amazing Spider-Man 2 (2014) bị chỉ trích nặng nề, và cộng với sự vươn lên của MCU, Sony rốt cuộc đành cho Spider-Man xuất hiện ở vũ trụ điện ảnh của đối thủ, cũng như tuyển mới Tom Holland. Loạt Siêu Nhện chắc chắn không có phần 3. Nhưng Garfield vẫn còn cơ hội nhỏ nhoi trở lại sắm vai Người Nhện, nếu các nhà sản xuất thực hiện một bộ phim đa vũ trụ, có sự xuất hiện của nhiều phiên bản siêu anh hùng nhả tơ.

Teenage Mutant Ninja Turtles (2014): Hãng Paramount cùng Michael Bay thực hiện phiên bản live-action cho Ninja Rùa, qua hai tập phim vào các năm 2014 và 2016. Bất chấp ngoại hình kỳ quái của các nhân vật, bộ phim đầu tiên vẫn thu gần nửa tỷ USD. Song, đến Out of the Shadows (2016), con số giảm mạnh xuống 245 triệu USD, tức hơn 50%. Paramount mau chóng đưa ra kế hoạch tái khởi động thương hiệu, dù chưa biết đến bao giờ mới có thành phẩm. Còn loạt Ninja Rùa của nhà sản xuất Michael Bay đã chính thức khép lại.

Jack Reacher: Lựa chọn Tom Cruise vào vai chàng quân cảnh Jack Reacher từng gây ra không ít tranh cãi. Cả nhà văn Lee Child của hơn 20 tiểu thuyết nguyên tác cũng không thích điều đó bởi chênh lệch chiều cao quá lớn. Bộ phim đầu tiên năm 2012 có thể coi là một thành công khi thu 217 triệu USD so với kinh phí 60 triệu USD. Nhưng tới Jack Racher: Never Go Back (2016), doanh thu đã giảm sút gần 30%. Cái tên Tom Cruise không thể giữ nhiệt cho thương hiệu, và Jack Reacher tới đây sẽ được làm mới trên sóng truyền hình, thay vì có tiếp phần ba.

Prometheus: Ra đời năm 2012, Prometheus của đạo diễn Ridley Scott không phải là tác phẩm độc lập, mà thực chất là phần tiền truyện đầu tiên dành cho loạt Alien. Bất chấp việc gây ra không ít tranh cãi, phim vẫn thu trên 400 triệu USD và được làm phần tiếp theo. Tuy nhiên, Alien: Covenant (2017) là một tác phẩm kém cỏi, đặt ra thêm câu hỏi cho người hâm mộ thay vì giải thích những bí ẩn của phần trước. Chỉ mang lại chưa đầy 250 triệu USD so với kinh phí 110 triệu USD, Alien: Covenant giống như dấu chấm hết cho loạt phim prequel. Việc Disney thâu tóm Fox hồi đầu 2019 càng khiến số phận của toàn bộ Alien trở nên bất định.

 

 

 

(Theo zingnews.vn)

Viết bình luận