Nếu được phát triển nghiêm túc, những thể loại game này sẽ "hốt bạc" tại Việt Nam

Vector 18/06/2018 03:09

MỤC LỤC [Hiện]

Kể từ sau thất bại của Emobi (hiện tại là Hiker Games), làng game Việt cho tới nay vẫn chưa hề có thêm nhiều bước đột phá nào cho thể loại PC Console. Game thủ vẫn chỉ nhận được những trò chơi online được mua từ các nước láng giềng về. Hay khá khẩm hơn, chúng ta có thêm một số tựa game mobile cũng do người Việt làm.

Tuy nhiên, tất cả những sản phẩm đó đều chưa thực sự tạo ra sự khác biệt cũng như đột phá cho làng game Việt. Vậy, tôi xin mạn phép trong bài viết này được nêu ra quan điểm của mình cho các thể loại game mà studio tại Việt Nam có thể hướng tới phát triển cho nền tảng PC.

Vào cuối năm 2016, game kinh dị đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất đã được phát hành trên Steam, có tên Root Of Evil: The Tailor. Nội dung game kể về một nhà ngoại cảm được thuê tới tìm hiểu những chuyện kỳ lạ trong một căn nhà hoang. Đây là một trong những ý tưởng hiếm hoi giữa một rừng các game online nhập ngoại. Game hiện được bán trên Steam với giá 90 ngàn đồng.

Kinh dị là một trong những đề tài rất hấp dẫn cộng đồng game thủ. Vậy tại sao làng game Việt không phát triển ý tưởng này thành nhiều trò chơi hơn nữa. Ở Việt Nam có vô số những địa danh đáng sợ mà theo truyền thông là “bị ma ám” như: Nhà nguyện Đà Lạt, Công viên nước Hồ Thủy Tiên ở Huế hay Biệt thự bỏ hoang ở rừng Quốc gia Ba Vì, v…v… Nếu như quá khó khăn trong việc nghĩ ra một ý tưởng game kinh dị hay, chúng ta có thể tận dụng luôn các bối cảnh này.

Việt Nam thuộc nền văn hóa tâm linh nên có thể việc sản xuất một trò chơi zombie sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng những game kinh dị tâm linh sẽ vô cùng thích hợp nếu như được xây dựng trên các địa điểm có thật.

7554 do Hiker Games (trước là Emobi) đã bắn phát súng đầu tiên và có lẽ là duy nhất cho thể loại game bắn súng FPS do chính studio trong nước sản xuất. Dù thành công đem lại không như mong muốn nhưng đây vẫn là một minh chứng cho thấy người Việt chúng ta hoàn toàn có thể phát triển các game bắn súng.

Nếu như dân ta rất kị với chiến tranh trong thời bình, các studio có thể xây dựng game bắn súng dựa trên lịch sử. Việt Nam có thể tự hào với thế giới rằng chúng ta có vô số các trận lẫy lừng khiến kẻ địch phải khiếp sợ. Vậy tại sao lại không tái hiện lại các trận đánh đó bằng video game như Hiker Games đã từng làm.

Đến các nhà làm game nước ngoài cũng phải công nhận bối cảnh chiến tranh Việt Nam thực sự hấp dẫn. Và cho tới nay chưa hề có bất cứ trò chơi nào tái hiện chính xác lịch sử nước nhà nhất. Nếu như game bắn súng lấy bối cảnh lịch sử được phát triển nhiều hơn, tôi tin chắc nó sẽ liên tục trở thành cú huých cho cả nền công nghiệp game nước nhà. Ý thức của cộng đồng game thủ về việc mua game bản quyền đã được nâng cao hơn nên chắc chắn câu chuyện như 7554 sẽ không lặp lại nếu trò chơi đó được làm nghiêm túc.

Hẳn bạn còn nhớ bộ truyện Thần Đồng Đất Việt chứ. Đây là bộ truyện dựa trên những yếu tố có thật trong lịch sử để đưa ra những bài học rất hay cho người đọc. Tôi nghĩ một tựa game giải đố dựa trên bộ truyền tranh này sẽ rất hợp lý và thu hút được cộng đồng game thủ. Nó vừa mang tính sắc tộc, vừa có thể là công cụ cho các bạn muốn ôn lại lịch sử huy hoàng của nước nhà từ thuở dựng nước.

Hay như các trò chơi với thiết kế đơn giản về mặt đồ họa nhưng nội dung có thể liên quan tới các môn như Toán học, Vật Lý hay thậm chí cả Văn học. Nếu có thể áp dụng các kiến thức thực tiễn vào video game, tôi nghĩ đây cũng là một cách hay các bậc phụ huynh có cái nhìn tích cực hơn về việc con em mình chơi game.

Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam có một bề dày lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước. Nếu có thể áp dụng các sự kiện từ thuở sơ khai và phát triển nó thành sản phẩm game chiến thuật hoặc thủ thành sẽ vô cùng hợp lý. Nó sẽ giúp người chơi có cái nhìn chi tiết hơn trong thời kỳ đầu của nước nhà.

Các studio có thể dựa trên những sự tích trong dân gian như Lạc Long Quân – Âu Cơ, 18 vị vua Hùng, Sơn Tinh – Thủy Tinh hay thời Mị Châu – Trọng Thủy. Bối cảnh lịch sử cũng như truyền thuyết của đất nước ta không thiếu, vấn đề nằm ở các studio nếu làm game sẽ phát triển nó như nào mà thôi.

Viết bình luận