Đánh giá bom tấn Marvel’s Spider-Man, thỏa mãn trong lối chơi nhưng chưa thể đạt điểm 10 (P2)

VGA 19/09/2018 14:18

MỤC LỤC [Hiện]

Nếu như trong P1 của bài đánh giá này, chúng ta đã thấy được cách Insomniac Games xây dựng thành phố Manhattan và nhân vật chính của chúng ta như thế nào thì trong P2 này, hãy cùng khám phá lối chơi và những điểm khiến bom tấn này chưa thể đạt điểm tối đa từ giới phê bình nhé!

LỐI CHƠI ĐẦY THỎA MÃN


Không chỉ “ghi điểm” ở mặt đồ họa và xây dựng nội dung, lối chơi của Marvel’s Spider-Man cũng hết sức thú vị và sẵn sàng “đốn gục” mọi người chơi.


Sẽ không là một game về Spider-Man đúng nghĩa nếu như thiếu đi cơ chế đu lượn khắp thành phố New York. Trò chơi đã thành công trong việc tạo ra một cơ chế đu dây tuyệt vời, khiến cho người chơi “cảm giác” được trở thành Spider-Man thứ thiệt. Dù không được hướng dẫn quá nhiều về việc phải đu lượn như thế nào cho đúng, bằng cách “thần kỳ” nào đó, việc đu dây sẽ tự đến với người chơi như một phản xạ tự nhiên. Càng về sau, bạn càng có khả năng nâng cấp thêm nhiều kỹ năng để tối ưu trải nghiệm này. Tuy dễ tiếp cận, việc đu dây đòi hỏi phải nâng cấp và tập luyện khá nhiều để có thể hoàn thiện khả năng di chuyển của mình nhanh hơn, gọn gàng hơn, bởi đây là cơ chế cực kỳ quan trọng giúp cho bạn hoàn thành một số nhiệm vụ và thử thách trong game.


Cơ chế này sẽ không thể tỏa sáng như vậy nếu như hệ thống vật lý trong game không tốt. Việc đu dây của Spider-Man được mô phỏng theo con lắc trong vật lý. Nếu như chàng Nhện thả dây khi đang ở vị trí thấp nhất, thì vận tốc đạt được sẽ là lớn nhất; còn nếu như thả dây khi đang ở vị trí cao nhất, tuy không đạt được vận tốc cao, nhưng lực quán tính sẽ đẩy người chơi lên một vị trí cao hơn.


Tuy không được tỏa sáng như cơ chế đu dây, những cuộc chiến trên toàn Manhattan cũng sẽ khiến người chơi hứng thú. Mặc dù hệ thống chiến đấu của Marvel’s Spider-Man mang nhiều nét tương đồng với dòng game Batman: Arkham, Insomniac Games đã thành công trong việc “vay mượn” và biến những ý tưởng đó thành một nét đặc trưng riêng của trò chơi.


Trong quá trình bay lượn khắp thành phố, bạn sẽ vô tình chạm trán với kẻ thù với mật độ tăng dần khi càng về cuối game. Trò chơi có lượng kẻ thù không đa dạng, song chúng có điểm mạnh và điểm yếu riêng biệt, đòi hỏi người chơi cần phải học lối di chuyển và phản ứng thích hợp. Tùy quy mô của những cuộc đụng độ mà số lượng cũng như chất lượng kẻ địch sẽ thay đổi. Về khoản này, trò chơi khá cân bằng khi cả kẻ địch lẫn trùm đều không quá khó để hạ gục, tuy nhiên vẫn cần phải luyện tập và phản ứng chính xác để không bị mất lợi thế quá nhiều. Điều đặc biệt mà Marvel’s Spider-Man đã tạo ra cho các tên tội phạm là bọn chúng không hề “sợ” Spidey, khi chạm trán, bọn chúng sẽ nhảy xổ vào tấn công tới tấp mà không hề do dự.


Đó cũng là tiền đề để phát huy tác dụng của Spider Sense. Những người hâm mộ của Nhện chắc hẳn ai cũng biết về Spider Sense, đây là một khả năng đặc biệt cho Nhện nhận biết những mối nguy hiểm đang chuẩn bị ập vào mình, giúp cho mình có khả năng né tránh và phản công. Sử dụng nhanh nhẹn làm điểm mấu chốt, Marvel’s Spider-Man đã thể hiện rõ được sự uyển chuyển và linh hoạt trong việc tung ra các đòn tấn công, né tránh, bắn tơ và hạ thủ từng kẻ địch một.


Khả năng lén lút, tuy không có quá nhiều điểm nổi bật, cũng làm đúng vai trò của nó, góp phần làm đa dạng lối chơi. Khi Spider-Man ngoài tầm nhìn của các tên địch trong một khu vực, anh có thể chọn vị trí để nhanh chóng hạ gục một tên địch mà không bị phát hiện. Một điểm dở nho nhỏ là ở các khu vực căn cứ của kẻ địch, người chơi chỉ có thể lén lút hạ gục những đợt địch đầu tiên. Từ đợt thứ hai trở đi, cho dù bạn có ở đâu thì chúng cũng sẽ phát hiện ra và xả súng vào bạn.


Marvel’s Spider-Man có ba nhánh kỹ năng để nâng cấp, cũng như hàng loạt các loại “đồ chơi” hỗ trợ. Ngoại trừ chiếc máy bắn tơ “huyền thoại” của Spider-Man, trò chơi còn cung cấp hàng loạt những loại dụng cụ mới như bắn lực đẩy, bom tơ nhện… để hỗ trợ người chơi triệt để trong chiến đấu cận chiến cũng như rình rập và hạ gục đối phương. Ngoài ra, mỗi trang phục cũng có khả năng tinh chỉnh các thuộc tính cũng như kỹ năng đặc biệt. Mỗi thay đổi đều mang lại những điểm lợi riêng biệt về mặt công hoặc thủ, tùy thuộc vào lối chơi của bạn. Người chơi sẽ phiêu lưu khắp Manhattan, thu thập những cục Token thông qua các thử thách, khám phá, thu thập, nghiên cứu và chiến đấu. Tùy mỗi loại dụng cụ, trang phục hay điều chỉnh sẽ yêu cầu những viên Token khác nhau để chế tạo.

HAY NHƯNG CHƯA THỂ HOÀN HẢO


Không có gì là hoàn hảo, Marvel’s Spider-Man cũng vậy. Dù là một trò chơi hết sức lôi cuốn với độ hoàn thiện khá cao, chàng Nhện của chúng ta cũng mắc phải một điểm trừ nhỏ khiến cho người chơi cảm thấy không thỏa mãn.


Marvel’s Spider-Man sở hữu quá nhiều những đoạn cắt cảnh nhỏ. Người viết hoàn toàn không có ý kiến gì về việc có nhiều cắt cảnh, bởi đây là một đặc trưng của các tựa game từ Sony. Tuy nhiên, Marvel’s Spider-Man là một phạm trù khác.


tổng thời lượng cắt cảnh kéo dài đến hơn 5h chơi

Xuyên suốt nội dung chính và đôi khi nhiệm vụ phụ, người chơi sẽ bắt gặp vô vàn những giây phút đang “hăng máu” xử lý lũ tội phạm thì lại có một đoạn cắt cảnh hiện ra. Bực mình hơn, những đoạn cắt cảnh này đôi khi chỉ kéo dài vỏn vẹn vài chục giây, sau đó tiếp tục cho bạn chơi và tiếp tục lặp lại một vài lần như vậy. Bạn sẽ được “trải nghiệm” độ phiền toái của điều này ngay từ những giây phút đầu tiên bước vào game, làm cho trải nghiệm của người chơi bị “tụt dốc” khá nhiều. Có lẽ, nhà phát triển nên gom lại thành một đoạn cắt cảnh dài để đỡ làm “cụt hứng” người chơi hơn. Đôi khi, cái gì quá nhiều cũng không tốt!

Viết bình luận