"Xin đừng kết tội và trút giận lên cây phượng vĩ"

02/06/2020 18:12

Thay vì tìm nguyên nhân hàng loạt cây phượng bật gốc, quy trách nhiệm cho cá nhân, người ta chọn cách xử lý dễ dàng hơn: đốn hạ.

>> Các trường đua nhau "tỉa cành, mé nhánh" cây cối đến... trụi lủi?

Một em học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng phải gánh chịu một tai nạn thương tâm chính nơi mái trường mà em và gia đình gửi gắm bao nhiêu ước mơ, kỳ vọng cho tương lai. Các em còn quá nhỏ để có thể lường trước được nguy hiểm. Cây xanh vô tri kia cũng chỉ chịu sự đặt để và quyền sinh sát của con người, cũng đâu làm gì nên tội? Vậy sau vụ cây đổ ở trường THCS Bạch Đằng (TP HCM) và hàng loạt trường hợp phượng vĩ bật gốc khắp nơi thời gian gần đây, lỗi và trách nhiệm thuộc về ai?

Còn ai và nơi nào tốt hơn nữa để kết tội và trút cơn giận dữ của các bậc phụ huynh, của xã hội hơn cây phượng. Để rồi cái kết mà chúng phải nhận là những nhát cưa chí mạng. Cơn giận dữ rồi cũng sẽ nguôi ngoai, trách nhiệm rồi cũng sẽ lấp liếm phủ mờ bởi thời gian, nhưng hậu quả để lại có thể sẽ khiến nhiều sân trường thưa dần và mất hẳn bóng phượng, để lại mùi bê tông hăng nồng sống mũi dưới cái nắng mùa hè.

Tiếc thay, chúng ta bao lâu nay vẫn chọn việc dễ, cách dễ để làm, để đạt đến mục đích riêng của mình mà ít khi có cái nhìn căn nguyên và toàn diện đến lợi ích chung của xã hội. Quay lại sự việc cây phượng đổ ở trường Bạch Đằng, nguyên nhân chính của sự việc đau lòng này là gì, đã có ai dám nhìn thẳng vào sự việc mà phân tích phượng đổ là vì đâu, giải pháp nào tốt nhất để có thể hạn chế và loại trừ những nguy hiểm tương tự nhưng vẫn giữ được mảng xanh và "màu hoa tươi thắm như máu trong tim" tuổi học trò này không?

(Ảnh minh họa: Giáo dục & Thời đại)

Nhưng thôi, người ta hơi đâu lo chuyện bao đồng vậy làm gì cho mệt. Họ cứ đổ tội nguyên nhân là do phượng bật gốc thế thôi, và cách tốt nhất là đưa cưa máy vào gầm rú đốn hạ, vừa hạ hỏa được dư luận, vừa thể hiện tinh thần rất quyết liệt và trách nhiệm của mình.

Tôi có một anh bạn ở Sài Gòn, buổi sáng hai bố con vẫn còn làm dáng đứng chụp ảnh dưới hàng phượng vĩ rực rỡ thì chiều về, đứa bé đã đăng bài chỉ còn những gốc cây xác xơ, trơ trọi. Các xử lý đó quá dễ phải không, vừa xoa dịu được nỗi đau của gia đình và các em không may bị nạn, vừa thể hiện cái gọi là trách nhiệm với cộng đồng.

Tôi xin chia sẻ chút ký ức về tuổi thơ tôi cùng với thực trạng trồng và quản lý cây xanh bây giờ, để thấy cái vòng luẩn quẩn của sự thiếu trách nhiệm gây nên hậu quả. Và rồi bằng cái gọi là tinh thần trách nhiệm của họ - những người liên quan tiếp tục đưa ra các quyết định, các giải pháp xử lý khắc phục theo kiểu cho có:

Ngày chúng tôi bằng tuổi các em, sân trường ở cái xứ đồi núi miền Trung chói chang nắng gió chỉ có sỏi đá và cát phủ lên lớp đất sét kết cứng như bê tông, mà không một bóng cây. Bởi năm tôi vào lớp 5 cũng là năm trường vừa được xây mới. Hồi đó, làm gì có công ty chuyên quản lý cây xanh, công ty cung cấp và thi công cây xanh đô thị như bây giờ. Để thỏa cơn thèm khát bóng mát, thầy trò chúng tôi bảo nhau về kế hoạch phủ xanh sân trường. Thế là chúng tôi mỗi sáng chủ nhật, đứa xẻng, đứa xà beng, đứa chở phân bò, phân gà tập kết một góc sân trường. Chúng tôi phân công nhau đào hố dưới sự chỉ bảo của các thầy cô, mỗi hố đào rộng ít nhất cũng một m2 và sâu ngập thắt lưng chúng tôi lúc ấy.

>> Nhiều vụ phượng đổ gây nguy hiểm, một trường trung học quyết định "cách ly" cây phượng để đảm bảo an toàn

>> Không chỉ phượng vĩ dễ gãy, đổ, nhiều cây xanh già cỗi nơi công cộng không đảm bảo an toàn

Tôi còn nhớ như in cái ngày mũi xà beng của thằng bạn suýt chắn lìa mấy đầu ngón tay tôi, may sao tôi chỉ bị mất ít máu và thay móng vài tuần sau đó. Thầy tôi đến tận vườn ươm chọn những cây phượng, cây bàng giống, thân to chưa bằng cổ tay chúng tôi, rồi thuê xe lam chở về trường. Chúng tôi háo hức lắm, chia nhau trồng xen kẽ bàng và phượng mỗi hố, phân công nhau mỗi sáng xách từng thùng nước từ cái giếng sâu phía sau trường tưới cho cây.

Cũng đã hơn 25 năm, ngày tôi về ghé lại trường, cây đã to chừng bằng mấy gốc phượng đang được lên báo mấy ngày nay, nhưng vẫn sừng sững, xanh tốt, che bóng mát cho các em, các cháu của tôi bây giờ.

Tôi vẫn nhớ rõ cái gốc cây có cả máu từ vết thương ở tay của tôi năm ấy. Tuổi thơ và thời khắc học trò của chúng tôi thế hệ 8X như vậy đấy. Để có bóng mát, để tận hưởng giá trị của cây xanh, chúng tôi góp công sức của mình để trồng, tự tay chăm bón và nhìn nó lớn lên từng ngày. Nên phượng hay bàng lúc ấy và bây giờ với chúng tôi như thứ gì đó rất thân thuộc và mang nhiều tình nghĩa là vậy.

Giờ đây, thời đại của kinh tế thị trường và công nghệ, các trường học bây giờ chỉ cần có tiền. Lựa chọn trồng cây gì cứ nhấc máy "alo" hoặc gửi email xin báo giá là có cả chục công ty xin được tư vấn và cung cấp cây. Thậm chí họ đến tận nơi để trồng và dĩ nhiên, trước đó có hứa hẹn với hàng tá quy trình trồng cây "bao sống, bao nhanh" cho bóng mát, dễ chăm sóc...

Nhiều trường chặt cây, cắt cành phượng thời gian gần đây. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Và bạn biết đấy, cũng phượng, cũng bàng, cũng sala nhưng thân to có khi bằng thân của em học sinh lớp 1, và được cắm vào những cái hố được họ đào bằng cái mà họ gọi là "công nghệ", nhưng chưa thể sánh được cái hố trẻ con chúng tôi đào cách đây hơn 20 năm để trồng những gốc phượng mà đúng nghĩa là "cây giống". Để chống đổ ngã, họ cặp thêm bốn thanh tre xung quanh gốc. Sau hai, ba năm, họ tháo bỏ và cây đã đâm chồi mới, phát triển thêm cành. Chúng ta thử nghĩ xem với hai, ba năm, rễ mới của cây có đủ tương xứng với thân hình của nó hay không, có đủ để giữ cho cây khỏi đổ ngã khi mưa khiến cho lớp đất mặt giảm liên kết, cộng với vài cơn gió hay không? 

Cái lỗi của người làm quản lý, của nhà trường là không có sự giám sát, kiểm tra xem họ đã đào hố đủ độ sâu chưa, họ trồng có đúng yêu cầu kỹ thuật không? Tôi không phản đối việc dùng gốc cây đã trưởng thành để trồng vì lợi ích của nó là cho cảnh quan và bóng mát nhanh hơn, tuy nhiên, nên hạn chế. Và nhất là với các nhà cung cấp và trồng cây xanh: "Làm ơn hãy có chút lương tâm khi trồng cây cho các nhà trường, các công trình dân sinh bởi quý vị có thể tiết kiệm vài đồng chi phí đào đất, công thuê kỹ sư giám sát, nhưng hậu quả của nó sẽ là rất khôn lường, đánh đổi bằng cả mạng sống như quý vị đã nhìn thấy".

Về phần nhà trường, chủ đầu tư các công trình dân sinh cũng nên có chút trách nhiệm trong việc giám sát để đảm bảo phương pháp trồng đúng kỹ thuật và an toàn. Rất tiếc, điều ấy hiếm khi xảy ra đúng thời điểm quan trọng nhất của quá trình hiện diện một cây xanh nơi công cộng. Rồi 5 năm, 10 năm, hay 20 năm sau, cây "bỗng dưng" bật gốc, và cách mà những người có trách nhiệm liên quan, những nhà quản lý đã làm rất nhanh chóng lại là cưa cây chúng ta đã biết.

Mới nghe qua thì chúng ta dễ nhầm tưởng đó là một sự phản ứng rất nhanh với tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, với các em học sinh. Nhưng đánh giá sâu hơn chút thì những cách làm ấy một lần nữa lại cho thấy sự thiếu trách nhiệm, hay đúng hơn là sợ trách nhiệm khi phải liên đới nếu tiếp tục có thêm cây xanh bật gốc trong trường, trong khuôn viên mình quản lý. 

Thế là để an toàn nhất, trước hết cho những người có liên quan, các nhà quản lý, còn gì tốt hơn là cắt trụi hoặc đốn hạ chứ chưa hẳn là hoàn toàn vì an toàn cho các em, bởi ngoài sự an toàn, các em còn cần bóng mát, cần mảng xanh trong chính khuôn viên trường của mình.

Vậy đấy, ức lắm chứ, nhưng phượng biết nói gì, cây xanh biết nói gì? Nơi dễ đổ trách nhiệm, dễ trút giận lên, thì người có liên quan họ đã làm và đang tiếp tục làm đấy thôi.

Đừng để hoa phượng học đường rồi chỉ còn trong ký ức và sách vở, đừng giết chết chất thơ, chất tình mà cả trăm năm qua sắc hoa đỏ ngọt ngào này đã âm thầm làm xuyến xao bao trái tim của tuổi mới lớn.

Phạm Tín (Nguồn: https://vnexpress.net/xin-dung-ket-toi-va-trut-gian-len-cay-phuong-vi-4109169.html)

>> Học sinh đồng loạt lên tiếng về việc chặt phượng: "Nên có biện pháp khác chứ đừng chặt cây!"

Viết bình luận