Nếu rừng Amazon biến mất thì 20% lượng nước ngọt, 20% lượng oxy của thế giới cũng mất

26/08/2019 11:44

Trái Đất ngày càng chịu nhiều những tổn thương nặng nề do thiên nhiên bị tàn phá. Và nếu rừng Amazon biến mất, thế giới sẽ bị hủy hoại nhanh hơn nữa.

Ảnh 1: Nếu rừng Amazon biến mất - We25.vn

Chắc chắn, thế giới không có gì đáng quan tâm hơn trong những ngày gần đây ngoài câu chuyện về những cánh rừng tại Amazon đang oằn mình trong lửa. Ước tính có khoảng 75.000 vụ cháy đã diễn ra tại Brazil chỉ trong năm 2019. Nhưng phải đến gần đây, khi tình trạng được đẩy lên mức đáng báo động ở các thành phố như Sao Paulo ngập ngụa trong khói bụi và mây phủ, thậm chí có thể quan sát được qua những bức ảnh chụp vệ tinh, người ta mới biết tới những hậu quả nghiêm trọng của cháy rừng, đặc biệt là rừng già Amazon.

Không ai muốn một ngày, những đứa trẻ sinh ra chỉ còn biết tới rừng nguyên sinh qua những bộ phim tài liệu, sách ảnh. Không bà mẹ nào muốn một ngày, những đứa trẻ phải đeo khẩu trang 24/7 hoặc không được ra ngoài trời vì không khí ô nhiễm khi nhiệt độ Trái Đất tăng cao. Và chắc chắn cũng không ông bố bà mẹ nào muốn lũ trẻ phải chen nhau trong những đô thị chật hẹp vì những cuộc khủng hoảng di dân sau biến đổi khí hậu.

Nếu Amazon cũng như nhiều cánh rừng khác biến mất, con người sẽ thực sự chìm trong thảm họa diệt vong. Ngay bây giờ, người ta đã có thể tính toán được những hậu quả sẽ xuất hiện nếu một ngày rừng Amazon không còn.

MỤC LỤC [Hiện]

Sông Amazon cùng các chi lưu của nó chứa khoảng 20% lượng nước ngọt từ các dòng chảy trên bề mặt Trái Đất. Nếu rừng Amazon biến mất sẽ gây khủng hoảng nước ngọt trầm trọng ở Nam Mỹ, tạo nên các cuộc di dân do biến đổi khí hậu.

Ảnh 2: Nếu rừng Amazon biến mất - We25.vn

Nếu như vậy, tình trạng giảm thiểu lượng mưa, hạn hán kéo dài... sẽ không chỉ diễn ra tại riêng Brazil khi có tới 9 quốc gia được che phủ bởi rừng Amazon gồm Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Suriname và Guiana (thuộc Pháp). Brazil là quốc gia có diện tích rừng lớn nhất (khoảng 60%), Peru có khoảng 13% và Colombia 10%.

Rừng Amazon cung cấp khoảng 20% lượng oxy cho toàn thế giới. Nếu nó mất đi thì 20% lượng oxy trên thế giới đột ngột biến mất, loài người sẽ làm cách nào để xoay xở bù đắp cho thiếu hụt ấy? Có lẽ không ai thực sự tìm ra được lời giải cho con số khổng lồ này.

Ảnh 3: Nếu rừng Amazon biến mất - We25.vn

Amazon là nhà của khoảng 10% các loài động, thực vật đã được tìm thấy trên thế giới (có nhiều nghiên cứu không chính thức nói con số này có thể lên tới 30%) với hơn 16.000 loài cây, 2,5 triệu loài côn trùng, 2.200 loài cá, 1.300 loài chim (chiếm khoảng 20% các loài chim trên thế giới), 427 loài thú có vú, 430 loài lưỡng cư và 380 loài bò sát. Sẽ là sự mất mát lớn của sự đa dạng sinh học trên toàn thế giới nếu nhiều loài động vật là đặc hữu của hệ sinh thái rừng nhiệt đới Amazon không còn.

Nếu rừng Amazon biến mất hoàn toàn, nguồn dược liệu trên thế giới sẽ trở nên khan hiếm. Hiện tại, khoảng hơn 120 loại thuốc có thành phần chiết xuất thực vật và khoảng 70% các loài thực vật được xác định có thành phần chống ung thư đều thuộc về rừng nhiệt đới. Nhiều người cho rằng, công thức cho một loại thuốc điều trị ung thư đang nằm đâu đó trong cánh rừng Amazon.

Amazon chiếm một nửa diện tích rừng mưa còn sót lại trên thế giới và là cánh rừng mưa nhiệt đới lớn nhất hiện nay. Chỉ có khoảng 6% bề mặt Trái Đất được che phủ bởi các cánh rừng nhiệt đới và 3% chính là con số ước lượng về tỷ lệ của rừng Amazon.

Ảnh 4: Nếu rừng Amazon biến mất - We25.vn

Người ta ước tính có khoảng 50 bộ lạc với văn hóa và chữ viết riêng đang sống dưới những cánh rừng Amazon, trong đó nhiều bộ lạc còn chưa bao giờ tiếp xúc với cuộc sống văn minh. Nếu mất đi những cánh rừng Amazon, loài người cũng để tuột mất những kho tàng văn hóa, ngôn ngữ độc đáo mà con người có thể còn chưa biết tới hết. Đó sẽ là một mất mát lớn của ngành nhân chủng và xã hội học.

Mất rừng, cây sẽ không giữ được nước, dòng chảy của các con sông sẽ thay đổi, tình trạng hạn hán sẽ xảy ra nhiều hơn. Amazon đã phải trải qua nhiều đợt hạn hán trong năm 2005 hay 2010. Tình trạng hạn hán càng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, hậu quả chính là điều đang diễn ra hiện tại.

Tuy nhiên, các cơn mưa lớn cũng đến bất ngờ hơn và không tuân theo sự vận động của tự nhiên, dẫn đến tình trạng ngập lụt có thể xảy ra nghiêm trọng. Khi không có những tầng lá, nước mưa sẽ rơi và ngấm xuống đất nhanh hơn dẫn đến tình trạng xói mòn, sạt lở nghiêm trọng.

Ảnh 5: Nếu rừng Amazon biến mất - We25.vn

Quang cảnh đợt hạn hán năm 2015 tại khu vực Amazon.

Tất nhiên, khi các loại thực phẩm đã được đưa đến toàn thế giới thì nếu rừng Amazon mất đi cũng không khiến 80% loại thực phẩm biến mất. Amazon như một nguồn cội để người ta nhớ tới lịch sử thực phẩm. Có hơn 3.000 loại trái cây từ các cánh rừng nhiệt đới có thể ăn được bao gồm bơ, dừa, cam, chanh, dứa, xoài.

Mỗi năm trung bình rừng Amazon hấp thụ 2,2 tỷ tấn CO2 - cao hơn rất nhiều so với lượng khí CO2 rừng Amazon thải ra (những cây chết thải ra khoảng 1,9 tỷ tấn CO2 mỗi năm). Nếu không có Amazon, lượng CO2 trong khu vực sẽ tăng cao, gây nên những biến đổi khí hậu nghiêm trọng và vô số hậu quả cho người dân tại Nam Mỹ và toàn thế giới.

Ảnh 6: Nếu rừng Amazon biến mất - We25.vn

Tất cả những con số, những mất mát trên sẽ tạo nên một kịch bản đáng sợ cho cuộc sống loài người. Không ai có thể tưởng tượng được việc một cánh rừng lớn biến mất sẽ đẩy con người tới những điểm cùng cực như vậy. Trong những năm gần đây, Amazon đã mất đi khoảng 20% diện tích rừng và có lẽ với tốc độ khai thác tận diệt như hiện nay, rất có thể sẽ không còn quá lâu trước khi người ta không còn tìm thấy một cái cây nào tại Amazon.

Cuối cùng, ai hay điều gì sẽ bị tổn thương bởi sự biến mất của rừng Amazon nhất? Chắc chắn không phải Trái Đất. Một ngày nào đó, vài trăm triệu năm sau, Trái Đất sẽ lại phục hồi sau một màn đêm u tối, chỉ có con người sẽ biến mất vì chính hậu quả của mình gây ra.

Theo Cafebiz.vn

Viết bình luận