Mousepad - Những điều cơ bản cần biết

Shinosuke 03/05/2017 14:35

(Game8) - Mousepad hay bàn di chuột là một trong những Gaming Gear đi liền với game thủ, là phụ kiện bổ trợ phải có bên cạnh Gaming Mouse. Trong bài viết này, Game8 sẽ giúp bạn đọc phân loại và tìm hiểu qua về những loại Mouse Pad hiện đang phổ biến trên thị trường.

Có một điều bạn đọc có thể không nhận ra, đó là Mousepad là Gaming Gear ít có sự thay đổi và biến động nhất trên thị trường. Thế nhưng giá cả của nó thì vẫn tăng dần đều qua từng năm. Lý do chủ yếu đến từ sự lên ngôi của các thương hiệu và nhu cầu ngày một lớn của người dùng.

Vậy Mousepad được phân loại như thế nào? Thực chất việc phân loại Mousepad có thể chia thanh nhiều kiểu như theo chất liệu, kích thước hay dòng sản phẩm...

1. Phân loại theo kích thước

Thông thường, một loại pad sẽ được các nhà sản xuất đưa ra nhiều kích thước khác nhau. Kích thước ở đây bao gồm cả chiều ngang, chiều dài và độ dày của pad. 

Trong khi hiện nay, quy chuẩn về kích thước của Mousepad đã trở nên khá mơ hồ khi mỗi hãng đều có một quy chuẩn riêng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phân biệt mousepad dày với độ dày từ 4mm - 6mm, trong khi mousepad mỏng chỉ dày có 2mm. Mousepad càng to bao nhiêu thì càng dày bấy nhiêu.

Tuy nhiên cũng có nhiều sản phẩm không đi chung với xu thế này. Điển hình là Steelseries QCK+ với kích thước lớn 45x40cm nhưng độ dày chỉ 2mm. Đây có thể coi là chiến lược hay khi giúp hạ giá thành sản phẩm vừa mang lại những ưu điểm như dễ cất và bảo quản, nhưng nó cũng có nhược điểm là độ bền không được như các dòng mousepad dày khác.

2. Mousepad cứng hay mềm?

Mousepad mềm sở hữu bề mặt được dệt bằng vải với kết cấu lớp dệt đặc biệt và được dán nhiệt lên bề mặt bằng cao su hoặc các chất liệu khác. Vai trò của mặt đế mousepad chủ yếu là để bám tốt hơn trên nhiều bề mặt, giúp chuột và mousepad không bị trượt khỏi bề mặt bàn, tránh được những pha tai nạn trong những trận đấu cần sự tập trung cao.

Còn với mousepad cứng. Hầu hết những sản phẩm như Razer Vespula, SteelSeries 9HD hay Qpad XT-R đều sở hữu bề mặt được trải một lớp vật liệu nhân tạo, thường là nhựa tổng hợp để hỗ trợ cho việc hoạt động của mouse feet, là những miếng vật liệu trơn dán dưới đáy những chú chuột chơi game.

Cá nhân người viết vẫn đánh giá cao những gì mousepad mềm mang lại, khi nó có giá thành tốt hơn, dễ bảo quản, lau chùi, cũng đỡ hại feet chuột hơn so với mousepad cứng. Tuy nhiên, mousepad cứng thường có trang bị LED đi kèm trông cũng khá là hầm hố.

3. Control hay Speed?

Theo trải nghiệm người dùng, chúng ta có thể chia mousepad ra làm 2 loại là Speed và Control

  • Mousepad Speed: Đây là loại mousepad có bề mặt trơn láng, có khả năng tăng tốc di chuột. Hiện nay đây cũng là loại mousepad khá đại trà khi không chỉ game thủ mà những người bình thường đều có thể sử dụng một cách dễ dàng.
  • Mousepad Control: Trái ngược với Speed, Control là loại pad có độ "lì" nhất định. Sở hữu cho mình bề mặt sần sùi, thô ráp, mousepad control tạo cảm giác di chuột đầm tay hơn, tăng độ ổn định khi sử dụng. Đặc biệt, nhiều cao thủ FPS thường ưa chuộng pad control hơn speed rất nhiều.

Về cơ bản, cả Control và Speed đều có những ưu và nhược điểm của nó, trong khi Speed phù hợp với số đông, Control lại mang lại cảm giác chính xác cho người dùng nhiều hơn, rất phù hợp với game thủ hard core.

Trên đây là một vài cách phân loại mousepad cơ bản theo kích thước, trải nghiệm người dùng. Ở các bài viết tới, Game8 sẽ đem lại cho các bạn những cái nhìn cụ thể hơn về từng mẫu mousepad trên thị trường sao cho có được sự lựa chọn hợp lý nhất.

Viết bình luận